Kết quả, ảnh hưởng và đánh giá Cuộc_đột_kích_Tatsinskaya

Kết quả

Phía Liên Xô cho rằng: Quân đoàn xe tăng 24 đã hoàn thành vượt mức nhiệm vụ được giao. Khoảng 11.000 lính Đức cùng với 84 xe tăng, 106 pháo cối và 300 máy bay cùng nhiều kíp bay và hầu hết các đội lính phục vụ mặt đất bị tiêu diệt; trong đó có nhiều máy bay vận tải rất cần thiết của không quân Đức đối với nhiệm vụ tiếp tế cho Cụm quân Paulus[1]. Phía Liên Xô cũng khẳng định có đến 5.000 tù binh Đức đã bị bắt sống trong trận này.

Ảnh hưởng

Đây là lần đầu tiên, Quân đội Liên Xô đã chọc thủng phòng tuyến và tiến sâu vào hậu cứ của Quân đội Đức Quốc xã, buộc quân Đức phải thay đổi kế hoạch ban đầu của mình. Các hoạt động đột kích và phá hoại trước đó của các lực lượng kỵ binh, lính dùdu kích Liên Xô chưa gây nên nhiều thiệt hại nặng nề cho quân Đức như Quân đoàn xe tăng 24 đã làm được trong trận này. Trước mối đe dọa của Phương diện quân Tây Nam đối với hậu cứ của Cụm tập đoàn quân Sông Đông, một phần lớn lực lượng Đức tham gia chiến dịch Bão Mùa đông bị điều về khu vực này, góp phần làm phá sản kế hoạch giải vây cho Cụm quân Stalingrad của quân đội Đức Quốc xã.[12]

Đánh giá

Mặc dù các quân đoàn xe tăng Liên Xô đều bị tổn thất nhưng cuộc đột kích vào Tatsinskaya là một thắng lợi quan trọng về mặt chiến thuật của Quân đội Liên Xô. Không những thế, sự kiện này còn ảnh hưởng cả đến cục diện của Trận Stalingrad. Có điều nó cũng cho thấy nhiều yếu kém trong tổ chức của các quân đoàn xe tăng Liên Xô, đặc biệt là những yếu kém trong việc thực hiện các chiến dịch độc lập với yêu cầu cao về sự tính toán chi tiết, tỉ mỉ với thời gian kéo dài. Không chỉ Quân đoàn xe tăng 24 mà hầu như các Quân đoàn xe tăng khác đều buộc phải cơ động chiến dịch trên một khoảng cách lớn từ 180 đến 240 km với tốc độ di chuyển lên đến 40–50 km trong một ngày. Trong khi đó, các cơ sở hậu cần, quân nhu, đạn dược, quân y không theo kịp. Trong điều kiện đó, cách duy nhất để bổ sung nguồn tiếp liệu là từ các chiến lợi phẩm chiếm được trong hành tiến. Tuy nhiên, không phải mục tiêu tấn công nào cũng có đủ chiến lợi phẩm. Các sư đoàn bộ binh cũng không cơ động đủ nhanh để theo kịp lực lượng thiết giáp. Vì vậy, quân Đức đã lợi dụng việc này để cắt đứt liên lạc giữa lực lượng tăng thiết giáp với căn cứ hậu cần và vô hiệu hóa ý đồ chia cắt các đơn vị quân Đức trong khu vực này.

Việc lực lượng thiết giáp bị tổn thất nặng và bị mất nhiều xe tăng đã khiến các sĩ quan chỉ huy Liên Xô cũng nhận ra những rủi ro bất thường có thể xảy đến khi tiến hành các đòn đánh thọc sâu vào hậu cứ của đối phương. Tất cả những kinh nghiệm này dẫn tới nhiều điều chỉnh về chiến thuật của Quân đội Liên Xô. Họ đã xúc tiến việc thành lập các tập đoàn quân xe tăng với tư cách là một lực lượng độc lập có thể thực thi những đòn đánh thọc sâu vào hậu cứ đối phương. Biên chế các Tập đoàn quân xe tăng bắt buộc phải có một quân đoàn bộ binh cơ giới và một lữ đoàn pháo chống tăng tự hành để cơ động cùng với xe tăng và yểm hộ xe tăng. Trong trường hợp không đủ lực lượng thì phải bố trí các quân đoàn xe tăng tấn công theo từng đôi một để yểm hộ lẫn nhau.[11]

Liên quan

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Cuộc_đột_kích_Tatsinskaya http://www.grandesguerras.com.br/artigos/text01.ph... http://rkkaww2.armchairgeneral.com/maps/1942SW/Sta... http://www.redarmystudies.net/0411030.htm http://de.wikipedia.org/wiki/306._Infanterie-Divis... http://militera.lib.ru/h/beevor/index.html http://militera.lib.ru/h/doerr_h/06.html http://militera.lib.ru/h/samsonov1/08.html http://militera.lib.ru/memo/german/manstein/12.htm... http://militera.lib.ru/memo/russian/lelyushenko_dd... http://www.vor.ru/55/Stalingrad/History_13_eng.htm...